Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

Văn hóa ẩm thực Việt- Hàn
Số lượt xem:

Văn hóa ẩm thực Việt- Hàn


Cả người Hàn Quốc và người Việt nam đều ăn cơm làm từ gạo và sử dụng đũa (chủ yếu là đũa sắt). Đến bữa ăn, cả gia đình cùng tập trung và ăn chung đĩa thức ăn ( người Nhật ăn riêng). Những người ít tuổi hơn mời người lớn tuổi hơn ăn trước và sau khi người lớn tuổi bắt đầu thì người nhỏ tuổi hơn mới bắt đầu ăn.


Ngoài những điểm chung nói trên thì có rất nhiều điểm khác biệt trong văn hóa ăn uống thường ngày của hai nước. người Hàn Quốc thường ăn cơm nấu từ gạo nếp trộn với gạo tẻ nên cơm rất dẻo, họ còn có cơm ngũ cốc "okok bap" (cơm nấu từ 5 loại ngũ cốc). Trong khi đó, người Việt nam thường chỉ ăn cơm nấu bằng gạo tẻ và cơm khô hơn một chút, thường vào những ngày đặc biệt thì mới nấu cơm nếp.


Ở Hàn Quốc có rất nhiều loại gia vị, đặc biệt, họ thường sử dụng bột ớt và có loại nước tương "kan chang". Ở Việt Nam, gia vị không thật nhiều nhưng có một loại nước chấm đặc biệt là nước mắm và để cho món ăn có hương vị thơm ngon hơn, khi nấu ăn có nhiều loại rau, củ, quả cho thêm vào như: hành, nghệ, cà chua, dứa, chuối...Ở Hàn Quốc, kim chi có nhiều loại đa dạng và thường ăn cùng trong bữa cơm. Còn ở Việt Nam, trong bữa ăn nhất định phải có rau tươi, có thể chế biến nhiều món như: rau luộc, rau xào, canh rau... và cũng có một số món tương tự như kim chi: dưa muối, cà muối, hành muối...



Vào mùa hè, khi ăn cả người Hàn Quốc và người Việt Nam đều uống nước nhưng cách thức cũng khác nhau. Người Hàn Quốc  vừa ăn vừa cầm cốc nước lạnh và uống. Người Việt Nam thì thường chan nước rau luộc hoặc canh vào bát và ăn cùng với cơm, hoặc sau khi ăn sẽ chan nước canh vào bát, uống riêng.

Người Hàn Quốc sử dụng cả đũa và thìa nên không cần cầm bát lên. Người Việt mình thì thường chỉ sử dụng đũa nên dù ăn cơm hay canh cũng cầm bát lên ăn. Vì vậy, cái trôn bát của mình thường cao để người ăn không bị nóng. Cũng vì việc sử dụng thìa, đũa mà người Hàn Quốc  thường để thức ăn lên bàn, trong khi người Việt Nam thường  để thức ăn vào mâm rồi có thể đặt trên bàn, trên chiếu, kể cả trên sàn nhà và ngồi ăn. Vẫn còn chuyện liên quan đến thìa, đũa nữa là khi ăn, người Hàn Quốc thường có cái để đặt thìa đũa lên, gọi là "sut ka rak bat schim" (숟가락 받침) còn người Việt thường để đũa trên mâm hoặc trên bát.
Sau khi ăn, người Hàn Quốc không bao giờ bỏ đi thức ăn thừa mà cất cẩn thận để sau đó ăn tiếp. Tại sao lại như vậy ? mấy chục năm trước người Hàn Quốc còn rất khó khăn, vì vậy họ đã hình thành tính tiết kiệm. Mặt khác, vì người Hàn Quốc thường ăn sáng ở nhà nên thức ăn còn lại hôm trước thường để ăn sáng hôm sau. Hiện nay, với cuộc sống hiện đại, người Hàn Quốc thường không đi chợ nhiều, họ thường đi một lần, mua rất nhiều thứ và để vào tủ lạnh nên tủ lạnh của họ thường rất to. Người Việt nam  mình thì thường chỉ cất một số món vào trong tủ lạnh, các món rau hay canh thường ăn hết hoặc cho chó, mèo, hoặc bỏ đi. Có vẻ người Việt Nam mình lãng phí hơn người Hàn. Người Việt Nam thường hôm nào cũng đi chợ, mua những đồ tươi sống để nấu và không thích những thức ăn để lâu trong tủ lạnh. Và người Việt nam mình còn có cả thói quen ăn sáng ở ngoài nữa.

Sau khi ăn xong, cả người Hàn Quốc và người Việt thường có thói quen ăn hoa quả, gọi là tráng miệng. Sau đó, người Hàn Quốc thường uống một loại nước quế, hoặc cà phê còn người Việt nam mình lại hay uống trà.

Văn hóa ăn uống thường ngày không phải là vấn đề lớn nhưng nếu tìm hiểu một chút cũng thấy có nhiều thú vị. Nó cũng phần nào phản ánh những nét độc đáo của văn hóa hai nước Việt nam – Hàn Quốc.